Ngày 29/3, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam đã thông qua Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tổng diện tích quy hoạch toàn vùng là hơn 40.000km2, gồm 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện nay; dân số toàn vùng dự báo đến năm 2030 là khoảng 18-19 triệu người, trong đó đô thị khoảng 6,5-7,5 triệu người.
Đồ án nhằm mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái,…; có vai trò, vị thế quan trọng đối với Quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Báo Tin tức |
Cụ thể, TP. Cần Thơ là đô thị loại I, có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu đào tạo, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng và tiểu vùng giữa ĐBSCL.
Còn TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực ven biển Đông, là trung tâm du lịch, văn hóa, trung tâm kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản nước lợ, năng lượng sạch,…
Bên cạnh đó, với định hướng phát triển hệ thống giao thông, sẽ hoàn thiện và xây mới các tuyến đường cao tốc như: Tp.HCM - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ (QL) hiện hữu gồm: QL50, QL60, QL61B, Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL91B, Nam Sông Hậu,... Đồng thời, dự kiến xây dựng và phát triển các tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau.
Phấn đấu đến năm 2030, các Cảng hàng không Quốc tế như: Cần Thơ, Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E (tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không Quốc tế ICAO); các Cảng hàng không nội địa: Cà Mau, Rạch Giá đạt tiêu chuẩn 4C.
Theo đánh giá của ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, việc công bố Đồ án là điều kiện thuận lợi và là cơ hội tốt để các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu nắm bắt thời cơ, đưa ra định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.