Danh mục bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ. Đáng chú ý trong đó là đề xuất bỏ quy hoạch sân golf.
Dự án sân golf phát triển tràn lan dù có quy hoạch
Việt Nam hiện có 40 tỉnh thành có sân golf, tập trung nhiều nhất tại Hà Nội với 9 sân. Tiếp theo là Bình Thuận 8 sân và Bà Rịa-Vũng Tàu 7 sân. Vị trí thứ 4 là Quảng Ninh và Hải Phòng đều có 6 sân. Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Khánh Hòa cũng đều có 5 sân. 18 tỉnh thành còn lại mỗi tỉnh có từ 2 - 4 sân. |
Sau một thời gian nở rộ cách đây 5 năm, Chính phủ đã phải “thắt chặt” phát triển sân golf đến năm 2020 bằng một số quy định. Đây là việc làm cần thiết vì đã có không ít sân golf lấy đất từ phá rừng, đất nông nghiệp. Vụ việc phá rừng làm sân golf kết hợp resort ở Phú Yên là một ví dụ điển hình. Thậm chí còn có doanh nghiệp định xây 100 sân golf đến năm 2020!
Hồi đầu năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xin bổ sung thêm hàng loạt dự án sân golf vào quy hoạch đến năm 2020. Nhiều dự án đã hoàn thành lại xin mở rộng thêm, có dự án quy mô lớn gấp 3 lần ban đầu. Tính đến nay, đã có thêm 15 dự án được bổ sung (điều chỉnh quy mô) vào quy hoạch với diện tích tăng thêm khoảng 7.000 ha. Theo tìm hiểu của PV, cả nước đang có khoảng 77 sân golf, (62 sân golf đang hoạt động) chiếm diện tích đất khoảng 22.500 ha.
Trước thực trạng trên, đề xuất bỏ quy hoạch sân golf cũng khiến nhiều người quan ngại, vì lo loại hình này có thể bùng phát. Vậy nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là việc làm hợp lý vì quy hoạch là công cụ quản lý đã lỗi thời. TS Lê Đăng Doanh cho rằng: "Quy hoạch không thể nào theo kịp và đúng với nhu cầu phát triển thực tế của cuộc sống, thị trường. Chính vì vậy, không chỉ sân golf mà nhiều quy hoạch ngành sản phẩm khác cũng nên xem xét bãi bỏ là hợp lý. Để cho các doanh nghiệp tự do đầu tư kinh doanh và nhà nước sẽ tăng cường quản lý bằng các công cụ khác của luật pháp."
Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích, chúng ta đã có luật Quy hoạch bao gồm các loại quy hoạch ngành, sản phẩm nên quy hoạch riêng biệt là không cần thiết.
Bỏ quy hoạch sân golf là đề tài gây tranh cãi. Trong ảnh là sân golf trong sân bay
Tân Sơn Nhất từng một thời gây xôn xao dư luận. Ảnh: Độc Lập
Nên có nhiều điều kiện thuế và môi trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi bỏ quy hoạch thì các sân golf sẽ được chuyển thành loại hình đầu tư kinh doanh có điều kiện như: không được sử dụng đất lúa, không sử dụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa. Chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện thì mới được phép làm. Mỗi địa phương được xây từ 5 - 10 sân golf như vậy tùy điều kiện.
Theo phân tích của các chuyên gia, golf là môn thể thao có nhu cầu khá lớn nhưng Việt Nam cũng đang có không ít sân golf. Đúng là nên để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định việc đầu tư sân golf, nhưng giả sử doanh nghiệp sử dụng vài trăm ha làm sân golf mà kinh doanh không hiệu quả thì nhà nước sẽ thất thu thuế. Do đó, nên rà soát lại tình trạng hoạt động cụ thể của các sân golf hiện ra sao, có đóng góp thế nào cho ngân sách, từ đó mới đưa ra được những chính sách (điều kiện) khuyến khích hay hạn chế đầu tư. Cùng với đó cũng cần đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư sân golf và các loại hình kinh doanh khác. Chẳng hạn tại Lâm Đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân gần 160 triệu đồng/ha/năm, như vậy nếu muốn làm sân golf thì doanh nghiệp phải chứng minh giá trị tạo ra lớn hơn con số đó.
KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: "Khi mới du nhập vào Việt Nam, người ta xem sân golf là không gian xanh nhưng các nhà môi trường đã chứng minh sân golf không phải là không gian thân thiện với môi trường vì sử dụng nhiều tài nguyên nước và một lượng lớn phân bón hóa chất để giữ cho cỏ được xanh. Chính vì vậy, song song với việc bỏ quy hoạch nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho các sân golf. Một vấn đề quan trọng khác là các điều kiện kinh doanh sân golf phải chống được tình trạng đầu cơ đất, chiếm đất làm các dự án khác hoặc chuyển đổi mục đích gây thiệt hại cho người dân và thất thu ngân sách."
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM) cũng đề xuất: "Muốn phát triển hay phát triển đến mức nào loại hình kinh doanh này là do nhà nước vì có thể điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật. Nếu không muốn có thể hạn chế bằng cách tăng thuế sử dụng đất, thuế môi trường… hoặc ký quỹ môi trường để bảo đảm các sân golf không gây ô nhiễm và phát tán ô nhiễm ra bên ngoài và ngược lại."
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh nêu quan điểm: "Điều quan trọng là các dự án này phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải được đánh giá một cách khách quan trên cơ sở khoa học, không phải đối phó như trước nay. Điều quan trọng thứ hai là phải tham vấn cộng đồng - cũng phải làm thật sự, xem người dân xung quanh đó họ có chấp nhận dự án đó không. Khi bỏ quy hoạch thì nhà nước làm sao để đảm bảo các sân golf không làm trên đất rừng, đất nông nghiệp, quốc phòng… như trước nay."
Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng nhà nước nên xây dựng hệ thống luật pháp sòng phẳng với các đối tượng trong xã hội. Đối với các dự án kinh tế, doanh nghiệp cần tự đứng ra thương lượng với người dân theo giá thị trường thay vì để chính quyền phải đứng ra thu hồi hộ như hiện tại.
(Theo Thanh Niên)