Ngày 27/5, tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát trong quản lý, sử dụng đất ở đô thị giai đoạn 2013-2018, ông Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho hay, chính sách giao, cho thuê đất của Nhà nước cho các doanh nghiệp đã góp phần tạo nên nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng đã có "nhiều tỷ phú từ đất, ôm nhiều quỹ đất vàng, đất kim cương tại các đô thị và các khu đất tương lai sẽ là đô thị" xuất hiện.
Ông cho rằng, hiện rất khó kiểm soát việc cho thuê, chuyển nhượng đất. Có những dự án có thể là tài sản thế chấp ngân hàng, nhưng thực chất giá trị từ đất được cho doanh nghiệp thuê và trả tiền hàng năm lại không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Từ đó, đại biểu Vượt đã đặt ra vấn đề: "Báo cáo giám sát của Quốc hội đã đề cập nhưng cử tri vẫn dấy lên mối hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh giữa những quan chức có thẩm quyền, lợi dụng chính sách để chọn nhà đầu tư theo chỉ định thầu thay vì đấu giá công khai quyền sử dụng đất".
Ông Đinh Duy Vượt - đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi liệu rằng có hay
không lợi ích nhóm trong chỉ định thầu dự án? Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội
Cũng theo ông Vượt, sự móc nối giữa chính quyền và nhà đầu tư là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong định giá đất thấp sau cổ phần hoá rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Điều này đã làm phát sinh những vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai hết sức phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, khiến lợi ích của Nhà nước cũng như người dân bị tổn hại lớn.
Đồng thời, đại biểu Vượt cũng đưa ra kiến nghị, cần bổ sung thực trạng cảnh báo và dự báo cặn kẽ về hiện tượng "cơn sốt đất kinh hoàng" từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 vào báo cáo giám sát của Quốc hội. Theo ông, đất đai tại các địa phương tăng giá vù vù từ đầu năm đến nay, khó có thể kiểm soát và dường như bị thả nổi. Và đã có hàng loạt câu hỏi được ông Vượt đặt ra như: "Nguyên nhân cơn sốt đất này là gì, dòng tiền tới từ đâu khi tín dụng bất động sản được các ngân hàng siết chặt? Cơn sốt này tới đây có gây ra bong bóng bất động sản, nợ xấu hay không?"
Cùng với đó, báo cáo giám sát cũng cần đề xuất về việc thu hẹp định giá đất, mở rộng các đối tượng cho thuê và buộc phải thông qua đấu giá cho thuê đất. Và theo đại biểu Vượt, điều quan trọng hơn là cần phải thực hiện thu hồi dự án sai phạm trong quá trình cho thuê đất để loại bỏ khả năng doanh nghiệp luồn lách để chuyển nhượng cho người ngoại quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa, nghiêm cấm tình trạng người Việt Nam đứng tên mua nhà, đất thay cho người nước ngoài.
Còn ông Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng đề cập đến vấn đề về lợi ích nhóm trong công tác cho thuê đất không qua đấu giá công khai. Theo ông Diến, đang có một phần lớn địa tô nằm ngoài ngân sách. Sẽ là vi phạm nghiêm trọng nếu việc bàn giao đất tại địa phương được thực hiện khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất...
Đồng thời, ông cũng tỏ ý tiếc khi nội dung các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa nêu rõ "địa chỉ" cụ thể của các dự án thực hiện điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích nhóm. Trên thực tế, đã có hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hecta đất bị thu hồi và nhiều cán bộ bị xử lý trong suốt 5 năm qua.
Ngoài ra, ông Diến còn nêu thêm hiện tượng, mỗi chủ đầu tư lại có một cách xác định giá đất khác nhau dù cùng thuộc một địa phương và được thực hiện cùng thời điểm. Không chỉ vậy, còn có biểu hiện ưu ái sân sau của người có thẩm quyền và cơ quan quản lý còn chưa làm hết trách nhiệm cũng như thẩm quyền được giao.
Theo ông Đinh Duy Vượt, để giải quyết những bất cập trong việc giao, cho thuê đất và xác định giá đất "vì nhóm lợi ích", đề nghị Nghị quyết của Quốc hội về giám sát đất đai cần thu hẹp việc định giá đất, mở rộng các đối tượng được cho thuê đất và cho thuê đất thông qua đấu giá công khai. Cần đưa ra những chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng đất lãng phí, sai phạm. Ông Vượt lo ngại: "Cần thu hồi đất các dự án cho thuê sai dạng này, bởi không loại trừ chuyện chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp đứng tên."
Còn đại biểu Mai Sỹ Diến đưa ra kiến nghị nên dừng việc thanh toán cho các dự án BT bằng quỹ đất.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trong buổi báo cáo trước Quốc hội đã cho biết, đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Đất đai 2013 cũng như các luật có liên quan đến vấn đề quy hoạch. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện công tác kiểm toán đối với các nội dung liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị hàng năm.
Cùng với đó, đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, từ đó, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Báo cáo Quốc hội về các giải pháp xử lý khắc phục tại kỳ họp tháng 10/2019.