Hỗ trợ đăng tin:

Smarthome Việt Nam: Chặng đường một nửa

Ngày đăng: 11/06/2019
Tin cùng chủ đề:
Tại các quốc gia phát triển, một dự án căn hộ thông minh đúng nghĩa có sự đồng bộ của công nghệ thông minh từ quá trình xây dựng, thiết kế đến vận hành. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn các dự án căn hộ thông minh mới chỉ dừng ở khâu xây dựng và thiết kế, trong khi quá trình vận hành và quản lý vẫn chưa được chú trọng.

Căn hộ thông minh Việt Nam – trải nghiệm chưa trọn vẹn

Giai đoạn 2013-2015, những căn hộ smarthome đầu tiên đã xuất hiện lẻ tẻ ở một số dự án hạng sang hoặc cao cấp thuộc Hà Nội và TP.HCM như Mandarin Garden, Royal City, Times City, Hà Đô Park View, Green Park Tower (Hà Nội), Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của smarthome khiến mô hình này không còn lẻ tẻ ở mật độ, quy mô mà vươn lên tầm tòa nhà, dự án, khu đô thị. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như RichStar, Green Valley, D-Vela, Botanica Premier, Saigon Intela (TP.HCM), BRG Smart City, One 18 Ngọc Lâm (Hà Nội).

Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn những dự án nhà ở thông minh mới dừng ở mức độ là sự tích hợp công nghệ thông tin trong căn nhà nhằm tối ưu hóa cuộc sống của con người. Ở đó, các thiết bị điện được “tự động hóa” theo một kịch bản định trước. Chủ nhân có thể điều khiển và kiểm soát ngôi nhà ở bất cứ đâu, thông qua bản công tắc cảm ứng hay những nút chạm hiển thị trên màn hình smartphone, tablet và máy tính cá nhân. Trong khi đó, quá trình quản lý, vận hành vẫn tuân thủ các quy cách truyền thống. Việc liên lạc, phản hồi, nắm bắt về chất lượng dịch vụ giữa cư dân và ban quản lý tòa nhà vẫn thông qua hotline, lễ tân, giấy báo, email. Ban quản lý lưu trữ hồ sơ từng căn hộ qua hồ sơ cứng hoặc các file mềm trên máy tính. 

công nghệ thông minh trong nhà ở
Tại Việt Nam, phần lớn những dự án nhà ở thông minh mới dừng ở mức độ là sự tích hợp
công nghệ thông tin trong căn nhà nhằm tối ưu hóa cuộc sống của con người

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, các dự án nhà ở thông minh không chỉ dừng ở khâu xây dựng, thiết kế mà còn là sự song hành của quá trình quản lý, vận hành theo xu hướng thông minh. Do đó, thị trường phần mềm quản lý bất động sản tại nhiều quốc gia phát triển có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Báo cáo của Technavio về “Thị trường phần mềm quản lý bất động sản toàn cầu 2017-2021” cho thấy tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của dòng sản phẩm này đạt trên 5% vào năm 2021.

Thực tế này cho thấy nhiều dự án nhà ở thông minh Việt Nam đang phát triển khập khiễng và có phần hụt hơi trong cuộc bùng nổ công nghệ 4.0. Trong khi nhiều chủ đầu tư đã bắt kịp công nghệ 4.0 với việc hình thành những dự án, căn hộ thông minh thì các đơn vị quản lý tòa nhà vẫn vô cùng chậm chạp trước những biến đổi này

Những tín hiệu mới của thị trường

Thời gian gần đây, một số đơn vị quản lý tòa nhà đã chú trọng phát triển hệ thống công nghệ thông minh trong quản lý và vận hành tòa nhà. Tuy nhiên con số này vẫn vô cùng ít ỏi. Một trong những sản phẩm quản lý và vận hành thông minh đầu tiên đã được ứng dụng là hệ thống quản lý tòa nhà thông minh iBMS của Công ty CP Quản lý và Khai thác Toà nhà PMC. Đây là là một hệ thống đồng bộ cho phép điều khiển và quản lý mọi hệ thống kỹ thuật trong toà nhà như hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điều hoà thông gió, cảnh báo môi trường, an ninh, báo cháy - chữa cháy… thông qua cáp điều khiển và giao thức mạng, nhằm đảm bảo cho việc vận hành các thiết bị trong tòa nhà được chính xác, kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí vận hành. Hệ thống này cũng giám sát được môi trường không khí, môi trường làm việc của con người.

dự án căn hộ thông minh
Một dự án căn hộ thông minh đúng nghĩa có sự đồng bộ của công nghệ thông
minh từ quá trình xây dựng, thiết kế đến vận hành

Gần đây nhất, Savills Việt Nam cũng đưa ra ứng dụng SPMS – một nền tảng công nghệ giúp thông tin liên lạc trực tiếp giữa ban quản lý, ban quản trị, chủ đầu tư và cư dân trong chu trình quản lý bất động sản. Ứng dụng SPMS là một kênh liên lạc giữa cư dân và ban quản lý dự án, mang tới cho người sử dụng sự phản hồi ngay lập tức đối với những yêu cầu cá nhân qua một hệ thống tự động.

Thay vì phải gặp mặt trực tiếp hoặc liên hệ qua điện thoại với ban quản lý để yêu cầu sửa chữa, đặt lịch sử dụng tiện ích trong dự án hoặc thanh toán các chi phí liên quan, cư dân có thể nhanh chóng thao tác đơn giản trên ứng dụng SPMS trên điện thoại. Thay vì truyền tải những thông báo tới cư dân qua bảng tin hay liên lạc trực tiếp, ban quản lý hay chủ đầu tư có thể gửi thông báo qua hệ thống SPMS, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Ban quản lý cũng có thể lưu giữ thông tin trên hệ thống lưu trữ của SPMS và điều phối nhân sự một cách hiệu quả, giảm thiểu lỗi từ con người.

Theo bà Trần Minh Ái, Giám đốc Quản lý Bất động sản, Savills TP.HCM chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý vận hành bất động sản giúp quá trình giao tiếp với cư dân trở nên chính xác, việc lưu trữ hồ sơ cư dân trở nên thuận tiện, không bị thất lạc thông tin. Tốc độc xử lý yêu cầu của cư dân nhanh chóng hơn. Chất lượng dự án được giám sát chặt chẽ hơn.

Hiện Hà Nội và TP.HCM nằm trong top những thành phố có lượng người trẻ tuổi am hiểu công nghệ nhất trên thế giới. Báo cáo Hành vi Thanh toán tiêu dùng của Visa năm 2017 cho biết 84% người Việt Nam trong nhóm được khảo sát thừa nhận họ mua hàng hóa trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng. Con số này chỉ thấp hơn Thái Lan 1% và cao thứ nhì khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu trên cho thấy các khu đô thị thông minh trong thiết kế, xây dựng và quản lý, vận hành sẽ là thị trường tiềm năng của tương lai.

An An

(Theo Enternews.vn)
Tin nhiều người đọc
Tin mới nhất
Quý khách muốn nhanh chóng tìm được BĐS phù hợp?