Hỗ trợ đăng tin:

TP.HCM vì sao vi phạm xây dựng tràn lan?

Ngày đăng: 11/08/2019
Tin cùng chủ đề:
Thời gian qua, tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn TP.HCM, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép đã được phát hiện và xử lý. Thế nhưng, điều đáng lo ngại tình trạng này có dấu hiệu ngày càng gia tăng.

 

vi phạm xây dựng
Một tổ hợp công trình khu resort Tràm Chim được xây dựng không phép tại xã Tân Quý Tây,
Bình Chánh, nhưng chính quyền và ngành chức năng lại không hề biết

Một tổ hợp công trình khu resort Tràm Chim được xây dựng không phép tại xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, nhưng chính quyền và ngành chức năng lại không hề biết.

Hành vi vi phạm mang tính mặc định

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, có 6.825 công trình vi phạm.

Trong đó, có 4.252 công trình được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp GPXD, với hành vi phổ biến vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng; công trình đã hoàn công nhưng lại tiếp tục xây dựng không phép. 2.573 công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp GPXD, với hành vi phổ biến xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng…

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trên đã được chỉ ra, từ khách quan, chủ quan đến quy định pháp luật, từ cán bộ đến người dân. Song phải thẳng thắn thừa nhận bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, hành vi tham nhũng của cán bộ quản lý trật tự xây dựng (TTXD) là một trong những nguyên nhân chính khiến vi phạm về TTXD diễn ra tràn lan.

Thế nhưng, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này rất khó phát hiện, vì cơ bản người đưa và người nhận đều rất tinh vi, khiến hành vi này càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định, gắn liền hoạt động xây dựng công trình.

Hiện nay hầu như các quận, huyện đều có vi phạm xây dựng không phép. Thậm chí một số xã, phường ở các quận, huyện vùng ven như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh); Bình Mỹ (Củ Chi); Đông Thạnh (Hóc Môn); Phú Hữu, Phước Long B (quận 9); Linh Trung, Tam Phú (quận Thủ Đức)… xây dựng không phép tồn tại thành từng khu, lên đến hàng chục căn nhà.

Trong khi đó, cán bộ xử lý vi phạm lại chưa nghiêm, chưa thật sự mang tính răn đe. Điều này được thể hiện trong những năm qua, trên 300 cán bộ, công chức quản lý TTXD đã bị xử lý về hành vi công vụ, nhưng chỉ có 1 cán bộ thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè bị xử 1 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Tiền lệ xấu “hợp thức hóa” sai phạm

Cơ quan quản lý nhà nước về TTXD cần tạo điều kiện để dân có nhà ở hợp pháp, chứ không phải để dân xây nhà trái phép rồi tháo dỡ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến nhưng mỗi địa phương xử lý vi phạm cũng khác nhau. Nơi làm nghiêm, buộc tháo dỡ phần sai phạm ngay cả những công trình nhỏ, nhờ vậy giảm hẳn các vi phạm xây dựng.

Nơi hành xử hình thức ban hành quyết định phạt, làm lơ để tồn tại, từ đó pháp luật bị xem thường, xuất hiện càng nhiều trường hợp vi phạm xây dựng.

Đơn cử, tại quận Tân Bình, ban đầu chỉ vài căn nhà xây trái phép, chính quyền địa phương chỉ phạt rồi để tồn tại, nhiều người "ăn theo" đã xây dựng tổng cộng cả trăm căn nhà trái phép và tồn tại trong nhiều năm qua.

Tại các quận, huyện khác, nhiều trường hợp xây trái phép chỉ phạt rồi để tồn tại, hay ban hành quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện, đã khiến người dân hoài nghi có sự móc ngoặc giữa người vi phạm với cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ. Bởi lẽ, công trình xây sai phép, trái phép vẫn cho tồn tại và chỉ xử phạt hành chính, chẳng khác gì dùng tiền hợp thức hóa cho sai phạm.

Đây là tiền lệ xấu trong đời sống xã hội, đã tiếp sức cho ra đời thêm nhiều công trình xây sai phép, trái phép vẫn tồn tại. Và suy cho cùng, mục đích của người vi phạm vẫn tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp.

Cũng do quá nhiêu khê xin GPXD

Nói đến vấn đề đi xin GPXD, nhiều người đều lắc đầu và thở dài, thậm chí phải chấp nhận xây dựng trái phép rồi nộp phạt, do gặp quá nhiều rắc rối nhiêu khê trong quá trình làm thủ tục. Theo quy định hiện hành, việc cấp GPXD nhà ở riêng lẻ chỉ mất 15 ngày làm việc.

TP.HCM cũng đang thí điểm cấp phép trong vòng 3 ngày tại quận 7, hướng tới việc cải cách mạnh mẽ trong công tác cấp GPXD. Tuy nhiên, người dân khi xin GPXD vẫn còn gặp phải không ít phiền hà, phải bổ sung hồ sơ liên tục, mất 2-3 tháng, thậm chí có trường hợp cả nửa năm mới có GPXD.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM mới đây, các đại biểu đã bức xúc phản ánh về việc “Xin GPXD như thế nào phải xây dựng như thế đó”. Khi xây nhà, người dân nhận thấy bất cập và điều chỉnh so với giấy phép. Sự điều chỉnh dù rất nhỏ, như chuyển cánh cửa từ phải sang trái hay ngược lại, người dân cũng không được hoàn công.

Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho rằng quy định về cấp GPXD nhà ở riêng lẻ hiện đang quản quá sâu. Trong nhiều tình huống, quan điểm giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, xã chưa thống nhất trong xác định hành vi vi phạm, cũng như việc áp dụng biện pháp xử lý. Điều này không chỉ gây ra phiền hà cho người dân, gây khó khăn trong quản lý TTXD, còn là điều kiện dẫn đến cán bộ, công chức tiêu cực.

Thực tế, khi thiết kế xây nhà, người dân không hình dung được hết sự hợp lý của bố cục theo thiết kế ban đầu. Đến khi thi công, người dân nhận thấy cần điều chỉnh cho hợp lý hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không được giải quyết, dẫn tới thỏa thuận ngầm để chủ công trình tự điều chỉnh. Đến khi xây nhà xong, người dân tiếp tục gặp rắc rối trong việc hoàn công và lại tìm cách hợp thức hóa.

Nguyễn Hồng
(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)

Tin nhiều người đọc
Tin mới nhất
Quý khách muốn nhanh chóng tìm được BĐS phù hợp?